Đoàn thể

GIAO LƯU KHOA HỌC “ĐAM MÊ – NGUỒN SỨC MẠNH’ VỚI GS.TSKH. PHẠM THỊ TRÂN CHÂU

GS.TSKH. Phạm Thị Trân Châu hiện là Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, Chủ tịch Hội Hóa sinh – Sinh học phân tử Việt Nam (nhiệm kỳ I), nguyên là Chủ nhiệm Bộ môn Hoá sinh, Khoa Sinh học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. GS.TSKH. Phạm Thị Trân Châu là Nhà nữ khoa học đầu tiên của Việt Nam nhận Giải thưởng Kovalevskaia (1988), giải thưởng khoa học cao quý dành cho các nhà khoa học nữ thuộc lĩnh vực Khoa học tự nhiên và Toán, cùng nhiều Huân, Huy chương và các giải thưởng cao quý khác.

Chuỗi chương trình “Seminar chia sẻ kinh nghiệm và bí quyết học tập, nghiên cứu khoa học” do Chi Đoàn cán bộ Khoa Sinh học tổ chức là hoạt động được đánh giá cao trong thời gian vừa qua. Trong không khí sôi động hướng đến chào mừng 60 năm thành lập Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (1956-2016), chi đoàn cán bộ tổ chức buổi Giao lưu khoa học với chủ đề “Đam mê – Nguồn sức mạnh” giữa GS.TSKH. Phạm Thị Trân Châu  và sinh viên, cán bộ Khoa Sinh học vào lúc 17:30, ngày 25/02/2016 (thứ Năm) tại Hội trường tầng 7 Nhà T5 – Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQGHN.

GS.TSKH. Phạm Thị Trân Châu là sinh viên khóa 01 (lớp Vạn I, khoá 1956-1959) của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau khi ra trường, Giáo sư ở lại trường làm cán bộ giảng dạy tại Khoa Sinh vật học từ năm 1959. Năm 1960, Giáo sư là một trong hai thành viên thành lập nhóm Hoá sinh tiền thân của Bộ môn Hoá sinh hay Sinh lý thực vật và Hoá sinh sau này. Giáo sư đã biên soạn, giảng dạy nhiều giáo trình (Hoá sinh học, enzyme học, Hoá sinh dinh dưỡng…) cho sinh viên Khoa Sinh học; hướng dẫn 13 NCS bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ. Giáo sư là một trong những nhà khoa học hàng đầu về Hóa Sinh học của Việt Nam, với nhiều công trình nghiên cứu khoa học các cấp.

Ảnh 1. GS.TSKH. Phạm Thị Trân Châu tại buổi Giao lưu khoa học “Đam mê – Nguồn sức mạnh”

Buổi giao lưu diễn ra với không khí  rất sôi nổi, GS.TSKH. Phạm Thị Trân Châu đã chia sẻ về định nghĩa “Đam mê” (theo Từ điển Bách khoa Việt Nam) cũng như quan điểm cá nhân mình đối với đam mê, ý nghía của đam mê trong cuộc sống, học tập và nghiên cứu khoa học.

Những câu hỏi của Giáo sư liên quan đến chủ đề buổi giao lưu như: Bạn nghĩ thế nào là đam mê? Các em có đam mê gì? Các em có đam mê làm khoa học không? Đam mê có cần thiết trong cuộc sống không? … đã được các bạn sinh viên trao đổi và thảo luận rất nhiệt tình, thẳng thắn.

Giáo sư cũng chia sẻ những ngày tháng say sưa học tập, nghiên cứu làm Tiến sĩ và Tiến sĩ Khoa học tại nước ngoài: “Tôi chỉ ngủ 3 đến 4 giờ mỗi ngày, thời gian còn lại dành hết vào các thí nghiệm và đã đạt được những kết quả rất tốt. Nếu không có niềm đam mê nghiên cứu khoa học chắc tôi sẽ không thể đạt được những kết quả đó”. Bên cạnh đó là những câu chuyện rất ý nghĩa về những nghiên cứu thành công phục vụ lợi ích của cộng đồng như: Chế biến bột dinh dưỡng từ đậu tương, đậu đen, đậu xanh; Chế biến thịt bò khô; Chế biến thịt bò loại 2 ngon hơn; Quy trình làm nước mắm ngắn ngày,…

Mỗi một câu chuyện được Giáo sư chia sẻ đều cho thấy đam mê rất cần thiết trong học tập, nghiên cứu khoa học và cuộc sống. Đam mê chính là nguồn sức mạnh khi kết hợp với những mặt khác như: tầm nhìn, kỹ năng, sáng tạo, quyết đoán sẽ giúp chúng ta có nghị lực, niềm tin và niềm vui để đi tới thành công.

Nhiều sinh viên băn khoăn: Làm thế nào để theo đuổi, thực hiện đam mê của mình? Giáo sư chia sẻ: Chúng ta không nhất thiết phải học đại học nhưng mỗi người cần phải có một nghề trong tay để tạo dựng cuộc sống. Học đại học là học cách tư duy, học các phương pháp nghiên cứu vì vậy hãy cố gắng học phương pháp tư duy để ứng dụng trọng học tập, nghiên cứu khoa học và cuộc sống. Hãy cố gắng rèn luyện để có tác phong thực nghiệm tốt. Trong khi làm nghiên cứu khoa học nên tích cực suy nghĩ, thường xuyên đặt câu hỏi và tìm cách giải quyết vấn đề. Kiến thức cơ bản rất quan trọng, cần phải được chú trọng học thật kỹ sẽ giúp ích cho khả năng tư duy trong công việc.

Những chia sẻ của Giáo sư trong buổi giao lưu đã giúp các cán bộ và sinh viên thêm yêu và say mê khoa học hơn. Hi vọng chúng ta sẽ rút ra cho mình những kinh nghiệm quý báu để áp dụng và thành công trong học tập, công việc và cuộc sống.

Dưới đây là một số hình ảnh trong buổi giao lưu khoa học:

Ảnh 2. PGS.TS. Nguyễn Quang Huy – Chủ nhiệm Khoa Sinh học phát biểu và tặng hoa GS.TSKH. Phạm Thị Trân Châu
Ảnh 3. Các cán bộ và sinh viên rất thích thú với những chia sẻ của Giáo sư trong buổi giao lưu
Ảnh 4. Các bạn sinh viên nhiệt tình thảo luận và chia sẻ niềm đam mê của bản thân
Ảnh 5. Món quà nhỏ đầu xuân dành cho những bạn sinh viên nhiệt tình tham gia
giao lưu với GS.TSKH. Phạm Thị Trân Châu
Ảnh 6. Cán bộ và sinh viên Khoa Sinh học chụp ảnh cùng GS.TSKH. Phạm Thị Trân Châu
Ảnh 7. Các thầy cô và các bạn sinh viên chụp ảnh cùng GS.TSKH. Phạm Thị Trân Châu

(Tin bài, ảnh: Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Thanh Sơn)

Bài viết liên quan