Tin tức – Hoạt động – Sự kiện

Thông báo

Sử dụng bộ mẫu của Bảo tàng Sinh học trong nghiên cứu,  đào tạo, giáo dục cộng đồng   hợp tác quốc tế

–          Phục vụ nghiên cứu khoa học: Với hàng nghìn vật mẫu động vật, thực vật được lưu trữ và trưng bày trong đó có nhiều mẫu chuẩn (Type) và đồng chuẩn (Holotype), Bảo tàng Sinh học  từ trước đến nay đã cung cấp vật mẫu cũng như đối chiếu vật mẫu cho hầu hết các nghiên cứu về lĩnh vực khoa học sự sống, đặc biệt là các nghiên cứu về Hệ thống học và  Phân loại học, Tài nguyên và Đa dạng sinh học. Tính đến nay, đã có hàng ngàn sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh, những nhà động vật học trong nước và Quốc tế đã đến nghiên cứu tại Bảo tàng.

–          Phục vụ đào tạo: Bảo tàng Sinh học luôn giữ được vai trò  là “phòng thí nghiệm” tự nhiên tốt nhất phục vụ cho giảng dạy và đào tạo. Từ khi thành lập đến nay, đã có hàng ngàn sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh thực hiện khoá luận tốt nghiệp, luận văn cao học và luận án tiến sĩ về lĩnh vực phân loại học, đa dạng sinh học, sinh học môi trường, … tại Bảo tàng sinh học. Ngày nay, nhiều người trong số này đã trở thành những nhà khoa học nổi tiếng trong nước cũng như Quốc tế trong đó có nhiều nhà động vật học, thực vật học. Nhiều lớp tập huấn, hội thảo quốc gia và quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học đã dựa vào bộ sưu tập mẫu của Bảo tàng để minh họa các bài giảng lý thuyết và thực tập. Hàng năm có khoảng 1.000 lượt khách từ các trường Đại học, Cao đẳng, Phổ thông, các viện nghiên cứu, các bảo tàng,… trong cả nước và nước ngoài đến tham quan, làm việc, học tập, nghiên cứu tại Bảo tàng Sinh học.

–          Tuyên truyền và Giáo dục: Từ lâu, Bảo tàng Sinh học đã trở thành  nơi thăm quan, học tập của học sinh các cấpcủa sinh viên và của mọi người dân. Thông qua các hoạt động này, Bảo tàng Sinh học đã phổ biến, tuyên truyền các kiến thức sinh học cơ bản, giáo dục lòng yêu thiên nhiên, yêu quý sinh vật – tài nguyên quý giá của Quốc gia, nâng cao ý thức bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, trong năm 2010, Bảo tàng Sinh học đã được Đại sứ Quán Nhật Bản tài trợ Dự án tăng cường trang thiết bị nghe nhìn nhằm thiết lập một phòng Multimedia của Bảo tàng với đầy đủ trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy chuyên đề, trao đổi chuyên môn và tuyên truyền, giáo dục về bảo tồn đa dạng sinh học và một số trang thiết bị, hóa chất nhằm nâng cấp chất lượng của các mẫu trưng bày và bộ sưu tập mẫu vật. Nhờ có dự án này, từ năm 2011, ngoài việc phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học cho các nhà khoa học, các học viên cao học và nghiên cứu sịnh đến từ nhiều Trường đại học và Viện nghiên cứu trong nước và nước ngoài như đã được thực hiện từ trước đến nay, Bảo tàng Sinh học đã có thêm điều kiện để mở cửa phục vụ rộng rãi cộng đồng, đặc biệt là học sinh các cấp từ các trường phổ thông ở Hà Nội và các tỉnh khác trong nước.

–          Hợp tác Quốc tế: Bảo tàng Sinh học không chỉ là nơi triển khai thực hiện các dự án hợp tác quốc tế về  đa dạng sinh học và bảo tồn, các nghiên cứu về tài nguyên thiên nhiên mà còn là nơi giới thiệu, quảng bá tính đa dạng sinh học, sự phong phú về tài nguyên thiên nhiên của đất nước với các nước trên thế giới. Các dự án như ‘”Bảo tồn loài hổ Đông dương”, “Bảo tồn loài chà vá chân nâu”, “Bảo tồn loài Voọc mũi hếch”, “Bảo vệ Rùa Hoàn Kiếm” đều bắt nguồn từ cơ sở Bảo tàng.  Bảo tàng Sinh học của Trường ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội đã có quan hệ và trao đổi mẫu vật với Bảo tàng Động vật Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp Maxcơva; Bảo tàng Động vật Trường Đại học Xanh Pêtecbua; Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Pari; Bảo tàng Động vật Trường Đại học Kim Nhật Thành (Triều Tiên); Học viện Thủy sản Thượng Hải, Sở Thủy sản Bắc Kinh; Bảo tàng Hoàng gia Nhật Bản.

Bài viết liên quan