Tin tức

Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản thăm Bảo tàng Sinh học

Chiều 02/03/2017, Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản đã có chuyến thăm Bảo tàng Sinh học, ĐHQGHN – nơi đang lưu giữ mẫu đồng chuẩn (Paratype) của loài Cá bống cát trắng do chính Nhật Hoàng Akihito tặng Bảo tàng năm 1976 và mẫu vật của loài Gà đuôi dài do Hoàng tử Nhật Bản Akishino tặng nhân chuyến thăm Bảo tàng năm 2012. Đây là sự kiện chính trị quan trọng không chỉ của đất nước mà còn là vinh dự của tập thể cán bộ trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN.

Đón tiếp Nhà vua và Hoàng hậu có PGS.TS Nguyễn Văn Nội – Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN; PGS.TS. Nguyễn Quang Huy – Trưởng Khoa Sinh học, TS. Nguyễn Thành Nam – Giám đốc Bảo tàng Sinh học, cùng tập thể cán bộ lãnh đạo Nhà trường và Khoa Sinh học.

Là người say mê nghiên cứu các loài cá nước ngọt, vào những năm 1970, trong quá trình làm luận văn, Nhật hoàng khi đó là Thái tử Akihito, đã phát hiện một loài Cá bống trắng mới ở sông Cần Thơ, Việt Nam. Tiêu bản của loài cá này được Nhà vua Akihito gửi tặng Bảo tàng Sinh học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội vào năm 1976.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Nhà vua và Hoàng hậu đã nghe TS. Nguyễn Thành Nam giới thiệu và trình bày về quy trình tiếp nhận, bảo quản hai mẫu vật cá bống trắng và gà đuôi dài tại bảo tàng.

Trò chuyện tại Bảo tàng, Nhà vua và Hoàng hậu bày tỏ vui mừng vì tiêu bản cá bống vẫn được bảo quản và gìn giữ cho đến hôm nay. Nhà vua cho biết, khi phát hiện giống cá bống này, Ngài đã gửi cho các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản. Sau khi xác định đây là giống cá bống cát trắng mới trên thế giới, Ngài đã quyết định gửi tặng tiêu bản cho Bảo tàng.

Nhà vua và Hoàng hậu cũng rất tự hào khi kể về người con trai là Hoàng tử Akishino. Nhà vua cho biết, Hoàng tử Akishino là người thích nghiên cứu về động vật học, đặc biệt là các loại gà. Năm 2012, Hoàng tử đã tặng cho Bảo tàng Sinh học hiện vật gà đuôi dài Onagadori, là một giống gà quý của Nhật Bản. Nhà vua và Hoàng hậu đã dừng lại khá lâu trước tiêu bản gà quý này.

Phát biểu về ý nghĩa chuyến thăm, TS. Nguyễn Thành Nam cho biết: “Chuyến thăm của Nhật hoàng tới Bảo tàng Sinh học có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ trên phương diện chính trị, ngoại giao, mà còn trên phương diện khoa học. Sự quan tâm của Nhật hoàng về các bộ sưu tập tại Bảo tàng cho thấy tinh thần yêu khoa học, đồng thời tiếp thêm nỗ lực bảo vệ, gìn giữ các mẫu vật để truyền lại cho đời sau của cán bộ, nhân viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN.”

TS. Nguyễn Thành Nam cho biết thêm: “Tôi thật sự ấn tượng sâu sắc bởi sự quan tâm và kiến thức của Nhà vua và Hoàng hậu về động vật và khoa học. Những câu hỏi của Nhà vua và Hoàng hậu rất chi tiết và am hiểu sâu sắc về các loài động vật. Nhật Hoàng và Hoàng hậu cũng quan tâm đến nhiều loại mẫu động vật khác tại Bảo tàng, hỏi cặn kẽ về điều kiện sinh trưởng, số lượng mỗi loài, nguy cơ tuyệt chủng của chúng trong môi trường tự nhiên”.

(Tin bài Nguyễn Huy Hoàng)

Bài viết liên quan