Nghiên cứu

Khoa Sinh học, Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN chung tay chống dịch Covid-19 Trên nhiều “Mặt trận”

Tác giả: Thanh Huyền – Tú Linh

(Bài đăng trên Bản tin Khoa học Công nghệ của Đại học Quốc gia Hà Nội, số 4, tháng 1 năm 2022:

https://online.pubhtml5.com/fszc/ycxh/#p=1)

       Cuối năm 2019, ca bệnh đầu tiên gây ra bởi chủng virus SARS-CoV-2 khởi đầu cho đại dịch COVID-19 trên toàn cầu được xác nhận tại Vũ Hán, Trung Quốc vào ngày 08/12/2019. Cho đến nay, đại dịch đã lan ra hầu hết các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo công bố của WHO, cho đến nay tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 231 triệu ca, trong đó trên 4,7 triệu ca tử vong. Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến tất cả các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam với 747 nghìn ca mắc COVID-19 và 18.400 trường hợp tử vong.

       Tại Việt Nam, trải qua hơn 2 năm, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cũng đã gây ra thiệt hại rất lớn về người và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của kinh tế, đặc biệt là 2 thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh với con số trên 10.000 ca nhiễm mỗi ngày.

       Trước tình hình đó, một số nhóm nghiên cứu của Khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội đã bắt tay vào nghiên cứu phát triển các sản phẩm hỗ trợ cho xét nghiệm chẩn đoán sự có mặt của virus SARS-CoV-2 đó là các sản phẩm như:

  • Bộ Kit giúp xác định sự có mặt của 5 chủng virus SARS-CoV, SARS-CoV-2, MERS-CoV, Cúm ACúm B bằng kỹ thuật Real-Time RT-PCR (nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Trịnh Hồng Thái).
  • Các nguyên liệu quan trọng cho Kit xét nghiệm RT-PCR, bao gồm enzyme Reverse Transcriptase tái tổ hợp, enzyme DNA polymerase tái tổ hợp, RNA virus (sử dụng làm chứng dương) (nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Văn Sáng).

Những sản phẩm này đã được chuyển giao cho các công ty CNSH phát triển thành sản phẩm thương mại phục vụ cho công tác phòng chống dịch của Việt Nam. Ngoài nhiệm vụ chính là giảng dạy và nghiên cứu khoa học thì đội ngũ giảng viên của Khoa Sinh học cũng đã trực tiếp vận hành các thiết bị xét nghiệm hiện đại, đã tham gia các công tác hỗ trợ, tư vấn chuyên môn và kỹ thuật, đào tạo nhân lực cho một số phòng xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cụ thể như:

  • xây dựng quy trình quản lý, quy trình kỹ thuật cho việc thành lập, đánh giá và cấp phép hoạt động của Bộ Y tế cho Phòng An toàn sinh học cấp 2 và Phòng xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2;
  • cập nhật và triển khai các Quyết định, Nghị định, Thông tư của Bộ Y tế về quy trình thu thập mẫu bệnh phẩm SARS-CoV-2 từ dịch tỵ hầu và dịch họng, đảm bảo an toàn trong lấy mẫu xét nghiệm;
  • xây dựng quy trình gộp mẫu đối với từng loại đối tượng, từng khu vực lấy mẫu khác nhau tùy theo mục đích sàng lọc cộng đồng hay khoanh vùng cách ly hoặc cho đối tượng F0;
  • hoàn thiện quy trình bảo quản, vận chuyển mẫu bệnh phẩm đường hô hấp và quy trình xử lý mẫu bệnh phẩm SARS-CoV-2 theo hướng dẫn của WHO và CDC Mỹ;
  • bất hoạt virus bằng các sinh phẩm khác nhau để đảm bảo sau khi đưa ra khỏi phòng xử lý thì mẫu bệnh phẩm là an toàn cho các mục đích nghiên cứu khác.

       Bên cạnh đó, các thế hệ sinh viên và cựu sinh viên khoa Sinh học đã và đang tích cực tham gia vào công tác phòng chống COVID-19 tại nhiều vùng tâm dịch trên cả nước. Phần lớn sinh viên sau khi ra trường hiện nay đang là cán bộ của các công ty cung cấp thiết bị y tế, hoá chất cho các phòng xét nghiệm, cung cấp máy thở, máy đo nồng độ oxy trong máu, trang thiết bị, vật tư y tế… và là những kỹ thuật viên có kinh nghiệm tại các phòng xét nghiệm và các bệnh viện trong cả nước… Họ chính là lực lượng trẻ, có nền tảng kiến thức cơ bản về sinh học và kỹ năng thực hành tốt, được tiếp cận các kỹ thuật sinh học phân tử hiện đại. Họ đã và đang sẵn sàng làm việc không kể ngày đêm cùng đội ngũ các y bác sĩ tuyến đầu trong công tác phòng chống dịch.

(Mời xem bản đầy đủ của bài đăng tại: https://online.pubhtml5.com/fszc/ycxh/#p=1)

Bài viết liên quan