- Thông tin chung
Bảo tàng sinh học, Khoa Sinh học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên tại 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội là Bảo tàng Sinh học đầu tiên ở Đông Dương và Việt Nam, được thành lập từ năm 1926. Hiện nay Bảo tàng Sinh học lưu trữ, bảo tồn hàng trăm nghìn vật mẫu động vật, thực vật của Việt Nam sưu tầm từ cuối thế kỷ 19 đến nay, trong đó có cả vật mẫu của các vùng địa lý khác nhau trên thế giới do nguyên thủ quốc gia, các nhà khoa học và các bảo tàng nước ngoài tặng.
Do vậy, bộ sưu tập mẫu vật của Bảo tàng Sinh học xứng đáng là tài sản vô giá của Quốc gia, là hình ảnh thu nhỏ về Tài nguyên sinh vật và Đa dạng sinh học của đất nước. Hiện nay, Bảo tàng Sinh học là một trong các bảo tàng cơ sở trong hệ thống Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam.
- Hiện trạng bộ sưu tập mẫu vật
– Bộ sưu tập mẫu thực vật: Các mẫu thực vật đang lưu trữ và trưng bày tại Bảo tàng Sinh học được thu thập từ các vùng khác nhau trên cả nước gồm có 28.372 tiêu bản, trong đó 22.991 tiêu bản của 4.287 loài, 1300 chi và 235 họ đã được xác định tên khoa học và còn 5.381 tiêu bản chưa được định loại. Hầu hết các mẫu vật hiện lưu trữ tại bảo tàng đều có chất lượng tốt.
– Bộ sưu tập mẫu động vật không xương sống: có 21.133 mẫu, phần lớn thuộc các bộ côn trùng phổ biến ở Việt Nam như Cánh cứng (Coleoptera), Cánh vảy (Lepidoptera), Gián (Blattoptera)… và các mẫu vật động vật không xương sống nước ngọt và nước mặn như Động vật thân mềm, Giáp xác, Da gai, Ruột khoang (San hô)… Mẫu sử dụng nghiên cứu là 19.895 mẫu; để trưng bày là 865 mẫu (chiếm 7,9% tổng số mẫu vật). Bộ sưu tập mẫu Động vật không xương sống không có các mẫu chuẩn và đồng chuẩn hoặc các mẫu quý hiếm về côn trùng. Do phần lớn vật mẫu chưa được định tên đầy đủ, hơn 50% số lượng vật mẫu có chất lượng kém vì không được bảo quản tốt và rất nhiều vật mẫu thiếu lý lịch rõ ràng nên đã làm giảm đi giá trị của bộ sưu tập côn trùng rất lớn này.
– Bộ sưu tập mẫu động vật có xương sống
+ Bộ sưu tập mẫu cá: Tổng cộng có 6.207 mẫu cá nước ngọt, nước mặn và nước lợ, trong đó có 1207 mẫu đã được định loại của 396 loài (chiếm 15,33% tổng số loài cá đã được thống kê ở Việt Nam), bao gồm 941 mẫu nghiên cứu và trưng bày của 350 loài và 266 mẫu mẫu holotype và paratype của 46 loài cá mới cho khoa học được phát hiện ở Việt Nam được công bố bởi GS.TS. Mai Đình Yên như: Silurus cucphuongensis, Hemibagrus centralus, Altigena tetrabarbata,… và một mẫu paratype của loài cá Bống trắng (Glossogobius sparsipapillus Akihito and Meguro, 1976) do thái tử Akihito (sau đó trở thành Nhật hoàng và nay đã nhường ngôi) đã gửi tặng Bảo tàng vào năm 1976. Như vậy, ở Bảo tàng còn khoảng 5000 vật mẫu cá chưa được kiểm kê hoặc định loại do chưa có điều kiện.
+ Bộ sưu tập mẫu Lưỡng cư: Số lượng mẫu lưỡng cư đã kiểm kê là 3299 vật mẫu của 78 loài thuộc 35 giống, 10 họ, 3 bộ chiếm 35,5% (78/220) tổng số loài lưỡng cư đã được phát hiện ở Việt Nam. Bảo tàng Sinh học có mẫu paratype của một số loài lưỡng cư như: Ếch cây Quyết Gracixalus quyeti (VNUH 160706), Ếch cây Orlov Rhacophorus orlovi (VNUH 7.8.97)…
Quyet’s treefrog Philautus quyeti |
+ Bộ sưu tập mẫu Bò sát: Bảo tàng Sinh học có 714 mẫu vật bò sát của 162 loài thuộc 23 họ, 3 bộ chiếm 37,2% (162/435) số loài bò sát đã được phát hiện ở Việt Nam. Ngoài ra, tại Bảo tàng Sinh học còn khoảng khoảng 1.000 mẫu bò sát chưa được kiểm kê hoặc định loại do chưa có điều kiện.
Đặc biệt, tại Bảo tàng Sinh học có một mẫu chuẩn (holotype) của loài Rắn nước Tam Đảo: Opisthotropis tamdaoensis (VNUH 010606); Mẫu paratype của một số loài thằn lằn: Cyrtodactylus cryptus (VNUH 7.7.06, VNUH 17.7.06), Cyrtodactylus roesleri (VNUH 220509), Goniurosaurus luii (VNUH 010205).
Tam Dao mountain stream snake Opisthotropis tamdaoensis |
+ Bộ sưu tập mẫu Chim: có 2.674 mẫu của 381 loài chiếm 45 % (381/848) tổng số loài chim hiện có ở Việt Nam thuộc 18 Bộ, 68 họ. Tuy nhiên, bộ sưu tập chim của Bảo tàng còn thiếu mẫu vật của các loài chim thuộc bộ Hải Âu (Procellariiformes). Tất cả mẫu chim của Bảo tàng đều là mẫu nhồi, có cả mẫu nằm và mẫu đứng.
+ Bộ sưu tập mẫu Thú: Bảo tàng Sinh học có 2.507 mẫu vật thú, của 136 loài và phân loài thuộc 70 chi, 26 họ, 10 bộ. So với tổng số loài thú hiện có ở Việt Nam, bộ sưu tập mẫu vật thú ở Bảo tàng Sinh học của ĐHQG Hà Nội chiếm 45,3 % về số loài (136/300).
Đặc biệt, Bảo tàng có mẫu (mẫu da và sọ) holotype và paratype của loài Vượn mào đen má hung Trung Bộ Nomascus annamensis nov. Spec, Chà vá Pygathrix cinerea và một số mẫu vật chỉ có ở Bảo tàng sinh học mà chưa có trong bộ sưu tập của các bảo tàng khác ở Việt Nam như mẫu nhồi Bò tót (Bos gaurus), Bò rừng (Bos banteng).
Hiện nay Bộ sưu tập của Bảo tàng còn thiếu đại diện của một số bộ thú như Cánh da – Dermoptera; Cá voi – Cetacea, Guốc lẻ – Perissodactyla; Bò biển – Sirenia.
3. Sử dụng bộ mẫu của Bảo tàng Sinh học trong nghiên cứu, đào tạo, giáo dục cộng đồng và hợp tác quốc tế
– Phục vụ nghiên cứu khoa học: Với hàng nghìn vật mẫu động vật, thực vật được lưu trữ và trưng bày trong đó có nhiều mẫu chuẩn (Type) và đồng chuẩn (Holotype), Bảo tàng Sinh học từ trước đến nay đã cung cấp vật mẫu cũng như đối chiếu vật mẫu cho hầu hết các nghiên cứu về lĩnh vực khoa học sự sống, đặc biệt là các nghiên cứu về Hệ thống học và Phân loại học, Tài nguyên và Đa dạng sinh học. Tính đến nay, đã có hàng ngàn sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh, những nhà động vật học trong nước và Quốc tế đã đến nghiên cứu tại Bảo tàng.
– Phục vụ đào tạo: Bảo tàng Sinh học luôn giữ được vai trò là “phòng thí nghiệm” tự nhiên tốt nhất phục vụ cho giảng dạy và đào tạo. Từ khi thành lập đến nay, đã có hàng ngàn sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh thực hiện khoá luận tốt nghiệp, luận văn cao học và luận án tiến sĩ về lĩnh vực phân loại học, đa dạng sinh học, sinh học môi trường, … tại Bảo tàng sinh học. Ngày nay, nhiều người trong số này đã trở thành những nhà khoa học nổi tiếng trong nước cũng như Quốc tế trong đó có nhiều nhà động vật học, thực vật học. Nhiều lớp tập huấn, hội thảo quốc gia và quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học đã dựa vào bộ sưu tập mẫu của Bảo tàng để minh họa các bài giảng lý thuyết và thực tập. Hàng năm có khoảng 1.000 lượt khách từ các trường Đại học, Cao đẳng, Phổ thông, các viện nghiên cứu, các bảo tàng,… trong cả nước và nước ngoài đến tham quan, làm việc, học tập, nghiên cứu tại Bảo tàng Sinh học.
– Tuyên truyền và Giáo dục: Từ lâu, Bảo tàng Sinh học đã trở thành nơi thăm quan, học tập của học sinh các cấp, của sinh viên và của mọi người dân. Thông qua các hoạt động này, Bảo tàng Sinh học đã phổ biến, tuyên truyền các kiến thức sinh học cơ bản, giáo dục lòng yêu thiên nhiên, yêu quý sinh vật – tài nguyên quý giá của Quốc gia, nâng cao ý thức bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, trong năm 2010, Bảo tàng Sinh học đã được Đại sứ Quán Nhật Bản tài trợ Dự án tăng cường trang thiết bị nghe nhìn nhằm thiết lập một phòng Multimedia của Bảo tàng với đầy đủ trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy chuyên đề, trao đổi chuyên môn và tuyên truyền, giáo dục về bảo tồn đa dạng sinh học và một số trang thiết bị, hóa chất nhằm nâng cấp chất lượng của các mẫu trưng bày và bộ sưu tập mẫu vật. Nhờ có dự án này, từ năm 2011, ngoài việc phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học cho các nhà khoa học, các học viên cao học và nghiên cứu sịnh đến từ nhiều Trường đại học và Viện nghiên cứu trong nước và nước ngoài như đã được thực hiện từ trước đến nay, Bảo tàng Sinh học đã có thêm điều kiện để mở cửa phục vụ rộng rãi cộng đồng, đặc biệt là học sinh các cấp từ các trường phổ thông ở Hà Nội và các tỉnh khác trong nước.
– Hợp tác Quốc tế: Bảo tàng Sinh học không chỉ là nơi triển khai thực hiện các dự án hợp tác quốc tế về đa dạng sinh học và bảo tồn, các nghiên cứu về tài nguyên thiên nhiên mà còn là nơi giới thiệu, quảng bá tính đa dạng sinh học, sự phong phú về tài nguyên thiên nhiên của đất nước với các nước trên thế giới. Các dự án như ‘”Bảo tồn loài hổ Đông dương”, “Bảo tồn loài chà vá chân nâu”, “Bảo tồn loài Voọc mũi hếch”, “Bảo vệ Rùa Hoàn Kiếm” đều bắt nguồn từ cơ sở Bảo tàng. Bảo tàng Sinh học của Trường ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội đã có quan hệ và trao đổi mẫu vật với Bảo tàng Động vật Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp Maxcơva; Bảo tàng Động vật Trường Đại học Xanh Pêtecbua; Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Pari; Bảo tàng Động vật Trường Đại học Kim Nhật Thành (Triều Tiên); Học viện Thủy sản Thượng Hải, Sở Thủy sản Bắc Kinh; Bảo tàng Hoàng gia Nhật Bản.