Tin tức

Công đoàn Khoa Sinh học du xuân đầu năm Mậu Tuất 2018

Thực hiện kế hoạch công tác công đoàn năm 2018 và hoạt động thường niên của Khoa Sinh học, Ban chấp hành Công đoàn Khoa Sinh học đã tổ chức hoạt động du xuân đầu năm Mậu Tuất 2018 tại Chùa Bổ Đà, Chùa Vĩnh Nghiêm, tỉnh Bắc Giang và Đền Đô, tỉnh Bắc Ninh. Đây là hoạt động thường niên nhằm tạo thêm cơ hội giao lưu giữa công đoàn viên trong Khoa Sinh học.

– Chùa Bổ Đà: Ngôi chùa độc đáo cổ kính nhất vùng Kinh Bắc tọa lạc trên ngọn núi Phượng Hoàng (Bổ Đà Sơn), phía Bắc dòng sông Cầu. Chùa gắn liền với câu ca dao “Thứ nhất là chùa Đức La/ Thứ nhì chùa Bổ, thứ ba chùa Tràng”. Được xây dựng vào thời Lê (thế kỷ XVIII), Chùa Bổ Đà là một trong những di tích lịch sử tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang. Chùa có tên là chùa Quán

Âm núi Bổ Đà hay Bổ Đà Sơn Quán Âm Tự, gọi tắt là chùa Bổ, còn có các tên gọi khác là chùa Quán Âm. Chùa Bổ là một trong những nơi còn giữ nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ. Chùa có kiến trúc độc đáo và khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam, đó là lối kiến trúc “nội thông ngoại bế” tạo vẻ u tịch, thanh vắng và huyền thoại, xung
quanh là đồi núi xóm làng bao bọc. Kiến trúc chùa gần 100 gian liên hoàn được xây dựng bằng các vật liệu dân gian: gạch nung, ngói, tiểu sành, tường bao được làm bằng đất rất độc đáo. Các bức tường, cổng và một số công trình khác được xây dựng hoàn toàn bằng đất nện theo lối chình tường.

– Chùa Vĩnh Nghiêm: ở làng Đức La xã Trí Yên huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang, Việt Nam, còn được gọi là chùa Đức La, là một trung tâm Phật giáo, nơi đào tạo tăng đồ cho cả nước, nơi phát tích Tam Tổ phái Thiền Trúc Lâm của Phật giáo Việt Nam, một viên ngọc sáng trong các chùa cổ Việt Nam. Chùa là nơi lưu giữ kho mộc bản gốc và duy nhất của thiền phái Trúc Lâm. Chùa được xây dựng vào thời vua Lý Thái Tổ với tên gọi là Chúc Thánh. Đến thời vua Trần Nhân Tông, chùa được trùng tu và đổi tên thành Vĩnh Nghiêm. Chùa từng là nơi thuyết pháp của Trúc Lâm Tam Tổ (Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang) và là nơi đào tạo, định chức danh cho các tăng sĩ thời Trần. Nơi đây được coi là chốn tổ của thiền phái Trúc Lâm, có vị trí đặc biệt trong lịch sử Phật giáo thời Trần nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung.

–  Đền Lý Bát Đế, còn gọi là Đền Đô hoặc Cổ Pháp điện là một quần thể kiến trúc tín ngưỡng thờ tám vị vua đầu tiên của nhà Lý. Đền Lý Bát Đế thuộc Khu Phố Thượng, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đền nằm cách thủ đô Hà Nội gần 15 km về phía Bắc, thuộc địa phận hương Cổ Pháp, châu Cổ Pháp (làng Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh) nên còn gọi là đền Cổ Pháp. Từ xa xưa, Cổ Pháp được liệt vào làng “tam cổ”: “Thứ nhất Cổ Bi, thứ nhì Cổ Loa, thứ ba Cổ Pháp”. Đất Cổ Pháp là nơi thắng địa bậc nhất Kinh Bắc, vượng khí, linh thiêng. Làng Cổ Pháp được cho là nơi phát tích của triều đình nhà Lý, kéo dài hơn 200 năm. Đền Lý Bát Đế được khởi công xây dựng từ ngày 3 tháng 3 năm Canh Ngọ 1030 bởi Lý Thái Tông khi vị hoàng đế này về quê làm giỗ cha. Sau này, đền được nhiều lần trung tu và mở rộng.
Lần trùng tu lớn nhất là vào năm thứ hai niên hiệu Hoàng Định của vua Lê Kính Tông (tức năm 1602), khắc văn bia ghi lại công đức của các vị vua triều Lý.

Ảnh 1. Cả đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Chùa Vĩnh Nghiêm, tỉnh Bắc Giang
Ảnh 2. Cả đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Đền Đô, tỉnh Bắc Ninh

Bài viết liên quan