Trước những tác động mạnh mẽ của công nghệ enzyme, công nghệ sinh học tới hầu hết các lĩnh vực của đời sống, kinh tế, xã hội, ngày 25/10/2024 tại Khách sạn Sheraton Hanoi West, Khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN, Tập đoàn Enzyme Amano, Nhật Bản và Hội Hoá Sinh và Sinh học phân tử Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ hai về Công nghệ Enzyme và Hội thảo khoa học HUS 2024 về Khoa học sự sống và Công nghệ sinh học. Hội thảo thu hút sự tham gia của trên 250 chuyên gia, nhà khoa học và sinh viên đến từ 07 quốc gia tới tham dự.
Hội thảo quy tụ nhiều nhà nghiên cứu, học giả là các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực công nghệ enzyme, khoa học sự sống và công nghệ sinh học |
Đây là sự kiện khoa học quan trọng, quy tụ các nhà nghiên cứu, học giả uy tín trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, cùng nhau thảo luận và chia sẻ những tiến bộ mới nhất về lĩnh vực công nghệ enzyme, khoa học sự sống và công nghệ sinh học. Hội thảo mang tới những nội dung chuyên sâu của công nghệ enzyme và công nghệ sinh học được ứng dụng trong các lĩnh vực y sinh học, thực phẩm, môi trường, năng lượng và nông nghiệp.
Ngài Motoyuki Amano, Chủ tịch tập đoàn Amano Nhật Bản phát biểu khai mạc Hội thảo |
Khai mạc Hội thảo, ngài Motoyuki Amano, Chủ tịch Tập đoàn Amano Enzyme, công ty dẫn đầu trong ngành công nghiệp enzyme tại Châu Á, chia sẻ: trên toàn cầu hiện nay mọi người đang nỗ lực không ngừng để xây dựng một xã hội bền vững và công nghệ sinh học đóng vai trò quan trọng trong quá trình này. Hội thảo ngày hôm nay vinh dự được đón chào các diễn giả đến từ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm cả Nhật Bản, đại diện cho cả giới tri thức lẫn doanh nghiệp. Ngài Motoyuki Amano hy vọng những ý tưởng được trình bày tại hội thảo sẽ góp phần thúc đẩy những cuộc thảo luận sôi nổi và tạo nên những bước tiến quan trọng cho tương lai Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy đánh giá cao vai trò và ý nghĩa của hội thảo đối với mục tiêu xây dựng xã hội bền vững tại Việt Nam |
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy đánh giá cao tầm quan trọng của sự kiện. Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh, bước vào thế kỉ XXI, chúng ta đang đối mặt với những thách thức toàn cầu như tăng trưởng dân số và biến đổi khí hậu. Việc hiện thực hóa một xã hội bền vững và hướng tới tái chế là rất cần thiết để giải quyết những vấn đề nghiêm trọng như thiếu hụt thực phẩm và năng lượng, các vấn đề về môi trường và nhiều vấn đề khác. Trong bối cảnh đó, công nghệ sinh học trở thành một giải pháp then chốt để đối phó với những thách thức này và niềm tin vào tiềm năng của nó ngày càng được củng cố. Hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực đạt được những mục tiêu đầy tham vọng trở thành một quốc gia công nghiệp hóa toàn cầu vào năm 2030 và trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy kỳ vọng thông qua việc hợp tác với các đối tác lớn trong lĩnh vực công nghệ sinh học sẽ giúp Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng không và hướng tới một xã hội xanh, bền vững với việc tái chế và giảm thiểu carbon. Hội thảo lần này là cơ hội tuyệt vời để củng cố mối quan hệ hợp tác hiện có, chia sẻ tri thức và khám phá những cơ hội đổi mới sáng tạo. Với ý nghĩa đó, Thứ trưởng khẳng định Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tích cực thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác cũng như giới thiệu Công ty Amano đến các cơ sở nghiên cứu tại Việt Nam.
Ngài Isamu Ishikawa, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam hy vọng thông qua hội thảo mối liên kết giữa hai quốc gia trong lĩnh vực khoa học công nghệ sẽ được thúc đẩy và phát triển mạnh mẽ |
Ngài Isamu Ishikawa, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam ghi nhận sự phối hợp hiệu quả giữa Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN và các đối tác trong việc tổ chức Hội thảo lần này. Ông nhấn mạnh, sự kiện lần này là minh chứng cho việc hiện thực hóa mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản. Ngài Isamu Ishikawa tin tưởng rằng mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa Tập đoàn Amano Enzyme với các trường đại học tại Việt Nam sẽ mở ra rất nhiều cơ hội, thúc đẩy mối liên kết giữa hai quốc gia trong lĩnh vực khoa học công nghệ.
Đại diện đơn vị tổ chức hội thảo, GS.TSKH. Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN nhấn mạnh vai trò thiết yếu của công nghệ enzyme, khoa học sự sống và công nghệ sinh học trong xã hội hiện đại. Là một trong những trường đại học hàng đầu tại Việt Nam, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên tự hào khẳng định những lĩnh vực kể trên là thế mạnh của mình. Đó là một trong những lý do giải thích cho việc chỉ trong vòng vài tháng, Nhà trường, khoa Sinh học cùng Tập đoàn Amano Enzyme và Hội Hóa sinh và Sinh học phân tử Việt Nam đã nhanh chóng biến ý tưởng trở thành hiện thực. Minh chứng cho sự thành công đó là hơn 250 nhà nghiên cứu đến từ 07 quốc gia đã cùng tham dự Hội thảo ngày hôm nay. Thông qua sự kết hợp giữa các bài trình bày và thuyết trình poster, hội thảo sẽ tập trung vào các xu hướng mới nhất cùng các phát hiện nghiên cứu nổi bật ở nhiều khía cạnh của lĩnh vực này.
GS.TSKH. Vũ Hoàng Linh nhấn mạnh vai trò thiết yếu của công nghệ enzyme, khoa học sự sống và công nghệ sinh trong xã hội hiện đại |
Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, đang chứng kiến sự phát triển kinh tế mạnh mẽ. Việt Nam, một trong những quốc gia dẫn đầu trong khối ASEAN, đặt nhiều kỳ vọng vào tương lai tươi sáng của nền kinh tế sinh học. Gần đây, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, đơn vị tiên phong trong lĩnh vực khoa học sự sống và công nghệ sinh học tại Việt Nam, đã hợp tác với Tập đoàn Amano Enzyme, tập đoàn hàng đầu thế giới về enzyme chuyên dụng, để khởi xướng các sáng kiến hợp tác trong nghiên cứu, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực.
Hội thảo có sự tham dự không chỉ của các nhà khoa học còn còn có các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ enzyme |
Hội thảo Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ hai về công nghệ Enzyme và Hội thảo khoa học HUS 2024 về khoa học sự sống và công nghệ sinh học được tổ chức nhằm thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ liên quan đến công nghệ enzyme và công nghệ sinh học, cũng như nền kinh tế tuần hoàn trong khu vực. Chương trình bao gồm 04 phiên chính và 01 phiên poster, tập trung và các lĩnh vực: công nghệ tiên tiến, công nghiệp, thực phẩm và nông nghiệp, môi trường và công nghệ.
Các vị khách mời danh dự chụp ảnh lưu niệm (từ trái sang phải, Vụ phó Vụ Khoa học và Công nghệ, Ban tuyên giáo TƯ Võ Thành Phong; Hiệu trưởng trường ĐHKHTN, ĐHQGHN Vũ Hoàng Linh; Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy; Chủ tịch Tập đoàn Amano Enzyme Inc. Motoyuki Amano; Phó đại sứ, Đại sứ quán Nhật bản tại Việt Nam Isamu Ishikawa; và Chủ tịch hội Hóa sinh và Sinh học Phân tử Việt Nam Phan Tuấn Nghĩa) |
Về phía trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQGHN, Khoa Sinh học là đơn vị đăng cai tổ chức các chương trình trong hội nghị. Đông đảo các cán bộ, học viên, sinh viên của khoa đã có mặt và tham gia tích cực vào hội thảo. Khoa Sinh học vinh dự đóng góp 02 bài thuyết trình về các hướng nghiên cứu liên quan đến công nghệ enzyme và protein do PGS.TS. Trần Văn Tuấn và PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Loang trình bày. Điểm nhấn của khoa thể hiện rõ nét trong phiên poster của hội thảo. Tổng số 34 báo cáo poster, thầy và trò khoa Sinh học đã đóng góp 30 bài báo cáo. Tất cả đều được trình bày bằng tiếng Anh, hàm lượng khoa học được đánh giá cao bởi các chuyên gia trong nước và quốc tế.
Các diễn giả trình bày các chủ đề liên quan đến Công nghệ sinh học, công nghệ enzyme và khoa học sự sống trong khuôn khổ hội thảo.
Các đại biểu tham dự thảo luận sôi nổi các vấn đề được quan tâm tại hội thảo. |
Một số hình ảnh trong phiên báo cáo poster
Sinh viên, học viên khoa Sinh học tự tin trình bày báo cáo trước hội đồng ban giám khảo |
Cán bộ, học viên và sinh viên khoa Sinh học tại hội thảo. |
Hy vọng rằng hội thảo Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 2 về công nghệ Emzyme kết hợp với hội thảo HUS 2024 về Khoa học sự sống và Công nghệ sinh học đã mang lại nhiều điều thú vị, những thông tin và ý tưởng mới trong khoa học. Qua đó, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của Khoa Sinh học và Trường ĐHKHTN.