Đào tạo

Khoa Sinh học – Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, nôi đào tạo công nghệ sinh học chính quy và chất lượng cao tại Đại học Quốc gia Hà Nội

Khoa Sinh học – Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN) là một trong các Khoa đầu tiên được thành lập của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) vào năm 1956. Trải qua gần 70 năm phát triển, với nỗ lực xây dựng một đội ngũ giảng viên tâm huyết, một môi trường học tập chất lượng, bài bản, sáng tạo và đổi mới, Khoa Sinh học được coi là cơ sở đào tạo hàng đầu về Công nghệ sinh học, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển kinh tế – xã hội đất nước.

Ngay từ những năm 90 của thế kỉ trước, mặc dù còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất và nguồn lực, ban lãnh đạo và toàn thể cán bộ Khoa Sinh học đã đồng lòng vượt khó khăn, sẵn sàng tiên phong đảm nhận nhiệm vụ triển khai đào tạo ngành Công nghệ sinh học theo Nghị định 18-CP của Thủ tướng Chính phủ. Từ đó đến nay, Khoa Sinh học đã liên tục đóng vai trò là đơn vị chủ chốt cung cấp nguồn nhân lực công nghệ sinh học cho các doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước và các trường viện nghiên cứu và đào tạo. Ngành Công nghệ sinh học hiện đã trở thành ngành đào tạo có uy tín, trở thành một thương hiệu của Trường ĐHKHTN nói riêng và ĐHQGHN nói chung. Điểm đầu vào ngành Công nghệ sinh học của Khoa luôn ở top đầu trong nhóm các đơn vị đào tạo công nghệ sinh học. Hằng năm nhu cầu nhập học vào ngành Công nghệ sinh học của Khoa cũng luôn cao hơn chỉ tiêu đặt ra và Khoa luôn tuyển sinh vượt chỉ tiêu. Chất lượng đào tạo ngành Công nghệ sinh học đã được minh chứng thông qua kiểm định chất lượng (bởi Mạng lưới các trường đại học châu Á (AUN)) và tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm hằng năm đạt trên 80%.  Sinh viên ngành Công nghệ sinh học luôn có cơ hội kiếm được việc làm cao, ở nhiều lĩnh vực đa dạng và hấp dẫn như: y dược (chẩn đoán bệnh, bào chế thuốc, vắc xin); nông – lâm – ngư (chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi, sản xuất các chế phẩm sinh học, các công nghệ sinh học giúp tăng năng suất chất lượng sản phẩm); công nghiệp (công nghệ lên men, vật liệu sinh học, thuốc, chế biến); thực phẩm (chế biến – bảo quản thực phẩm, các CN sau thu hoạch, …); môi trường (xử lý môi trường, đánh giá mức độ độc hại của sản phẩm, xử lý chất thải…);… Nhiều cựu sinh viên ngành Công nghệ sinh học hiện giữ vai trò quan trọng trong các doanh nghiệp lớn (ví dụ công ty Bia Hà Nội, tập đoàn Ajinomoto, tập đoàn TH, HanVet,…), các cơ quan quản lý (Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và các sở ngành), các trường viện (nhiều người hiện nay là các giáo sư, phó giáo sư, các nhà khoa học hàng đầu trong các lĩnh vực chuyên môn của công nghệ sinh học),… và đang ngày càng góp phần không nhỏ phát triển nền công nghệ sinh học của đất nước.

Chứng chỉ đảm bảo chất lượng đối với chương trình đào tạo Công nghệ sinh học của Khoa Sinh học do Mạng lưới các trường đại học châu Á (AUN) cấp

Ngày hội hướng nghiệp cho sinh viên và kết nối nhà tuyển dụng tại Khoa Sinh học

Khi theo học ngành Công nghệ sinh học tại Khoa Sinh học – Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức cập nhật nhất trong lĩnh vực này, truyền đạt bởi đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm và được đào tạo bài bản chủ yếu từ các nước tiên tiến về Công nghệ sinh học. Ngành Công nghệ sinh học có thiên hướng đào tạo người học sâu hơn về khía cạnh các công nghệ dựa trên sinh học, với nền tảng kiến thức cốt lõi là sinh học phân tử – tế bào, di truyền học, vi sinh vật học, hoá sinh học, công nghệ sinh học động vật và công nghệ sinh học thực vật. Sinh viên của ngành Công nghệ sinh học có thể lựa chọn theo đuổi nhiều lĩnh vực chuyên sâu đa dạng của công nghệ sinh học như công nghệ vi sinh, công nghệ tế bào, công nghệ mô – công nghệ protein-enzyme và kỹ thuật di truyền, công nghệ sinh học nông nghiệp, công nghệ sinh học công nghiệp, công nghệ sinh học y dược, tin – sinh học; tùy theo sở thích của sinh viên và nhu cầu của thị trường. Sinh viên cũng sẽ được tiếp cận những trang thiết bị máy móc hiện đại phục vụ nghiên cứu khoa học và nâng cao kỹ năng thực hành. Bên cạnh đó, Trường ĐHKHTN và Khoa Sinh học cũng chú trọng bồi dưỡng cho sinh viên khả năng tư duy sáng tạo, hình thành và phát triển tư duy nghiên cứu và làm việc độc lập, phương pháp tiếp cận khoa học. Đặc biệt, để đạt được điều này, sinh viên được tham gia thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học để hoàn thành khóa luận tốt nghiệp cũng như các hoạt động thực tập thực tế tại các cơ sở đối tác của Khoa Sinh học, thậm chí được tham gia các chương trình hợp tác quốc tế. Từ đó, sinh viên khi ra trường có khả năng ứng dụng công nghệ sinh học vào các lĩnh vực công nghệ, khoa học, kinh tế, xã hội.

Hệ thống trang thiết bị phục vụ đào tạo và nghiên cứu công nghệ sinh học tại Khoa Sinh học

Hiện nay, Khoa Sinh học và Trường ĐHKHTN đang tích cực đổi mới hoạt động đào tạo ngành Công nghệ sinh học theo các định hướng: (i) ngày càng hướng tới người học, đào tạo theo nhu cầu hướng nghiệp của người học; và (ii) liên tục cập nhật nội dung chương trình để trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng mới nhất trong lĩnh vực công nghệ sinh học hiện phát triển rất nóng. Cụ thể, sinh viên học Công nghệ sinh học tại Khoa Sinh học sẽ có nhiều cơ hội để trải nghiệm thực tế tại các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp đang phát triển ngày càng nhiều tại Việt Nam. Sinh viên cũng sẽ được thực tập làm khóa luận tốt nghiệp tại các cơ sở nghiên cứu hàng đầu về Công nghệ sinh học (ví dụ, các viện nghiên cứu: Viện Công nghệ sinh học – Viện Hàn lâm KHCNVN, Viện Công nghệ thực phẩm, …) và các cơ sở sản xuất hiện đại (tập đoàn CP group, tập đoàn BIOGROUP, công ty GENE SOLUTION, v.v….) liên kết với Khoa Sinh học. Khoa Sinh học cũng đang đẩy mạnh việc liên kết đào tạo quốc tế để sinh viên được học tập ngày càng nhiều hơn với các giảng viên quốc tế là các chuyên gia hàng đầu về Công nghệ sinh học. Cụ thể, hiện nay Khoa đang có các giảng viên tham gia đào tạo đến từ Trung tâm Nông nghiệp quốc tế (CIAT), trường Đại học Tokyo (Nhật), trường Đại học Giao thông Yang Minh (Đài Loan TQ), trường Đại học KHCN Hồng Kong, v.v…

Sinh viên ngành Công nghệ sinh học của Khoa Sinh học đi thực tập thực tế

Để đảm bảo uy tín cũng như chất lượng chương trình đào tạo Công nghệ sinh học, Khoa Sinh học – Trường ĐHKHTN luôn chú trọng đảm bảo các điều kiện sau:

(i) Đội ngũ nhân lực (giảng viên, nghiên cứu viên) phải đủ năng lực, về chuyên môn phải có bề dày và phải có đủ cán bộ cho các lĩnh vực chuyên môn trụ cột của công nghệ sinh học như sinh học phân tử, sinh học tế bào, công nghệ tế bào động vật, công nghệ tế bào thực vật, hóa sinh học, vi sinh vật học, sinh lý học, và tin sinh học. Nếu thiếu hụt nhân lực trong một hoặc một vài lĩnh vực trên thì việc đào tạo ngành Công nghệ sinh học sẽ không cân đối và không đảm bảo chất lượng. Khoa Sinh học – Trường ĐHKHTN là đơn vị duy nhất trong Đại học Quốc gia Hà Nội và trong số các đơn vị đào tạo Công nghệ sinh học ở miền Bắc Việt Nam có đầy đủ đội ngũ nhân lực phục vụ toàn diện cho các lĩnh vực trên. Hiện nay Khoa Sinh học có một đội ngũ nhân sự mạnh gồm hơn 70 cán bộ, viên chức, trong đó gần 80% là giáo sư, phó giáo sư và tiến sĩ. Từ chỗ chỉ có 2 bộ môn ban đầu, hiện nay Khoa có 9 bộ môn, 1 Bảo tàng Sinh vật và 1 Trung tâm nghiên cứu Khoa học sự sống.

(ii) Cơ sở vật chất trang thiết bị phải đủ đáp ứng các yêu cầu tối thiểu trong đào tạo thực nghiệm công nghệ sinh học. Công nghệ sinh học là một lĩnh vực đặc thù dựa trên thực nghiệm. Muốn đảm bảo đào tạo tốt và đảm bảo chất lượng ngành Công nghệ sinh học, cần có hệ thống cơ sở vật chất và các trang thiết bị đủ đáp ứng tối thiểu cho yêu cầu đào tạo thực hành trong các lĩnh vực chuyên môn của công nghệ sinh học như nêu ở trên. Với hơn 30 năm kinh nghiệm đào tạo Công nghệ sinh học, Khoa Sinh học đã được đầu tư hệ thống cơ sở vật chất thiết bị tương đối đồng bộ, phục vụ đào tạo thực hành thực tập. Gần đây Khoa cũng được đầu tư tăng cường chuyên sâu về cơ sở vật chất, với một số thiết bị hiện đại như hệ thống phân tích tế bào theo dòng chảy (flow cytometer), hệ thống kính hiển vi điện tử chụp ảnh cấu trúc không gian, các hệ thống real-time PCR và PCR, các hệ thống sắc kí lỏng hiệu năng cao và sắc kí khí kèm khối phổ, các hệ thống nuôi cấy tế bào động vật, thực vật và vi sinh vật, … Đây là các hệ thống thiết bị đòi hỏi sự đầu tư lâu dài, bài bản và có thể phục vụ đào tạo các lĩnh vực đa dạng của ngành Công nghệ sinh học. Khoa còn được Nhà nước đầu tư Phòng thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về Công nghệ Enzyme và Protein. Khoa Sinh học được xã hội đánh giá cao không chỉ về năng lực khoa học cơ bản mà còn cả về năng lực nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ.

(iii) Quan hệ hợp tác quốc tế phải đủ tốt để: (i) giúp giảng viên liên tục được cập nhật kiến thức trong lĩnh vực công nghệ sinh học thay đổi rất nhanh, cũng như trao đổi học thuật để cập nhật cả về kĩ thuật công nghệ; (ii) tạo ra nhiều cơ hội học bổng, internship cho sinh viên, tăng sức hút cho ngành đào tạo; (iii) đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học cũng như liên tục nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, để thông qua đó luôn đảm bảo đào tạo sinh viên với chất lượng tốt nhất, tiếp cận trình độ quốc tế. Muốn vậy, đòi hỏi cơ sở đào tạo phải có nền tảng, bề dày kinh nghiệm, phải có mạng lưới hợp tác quốc tế sâu rộng dựa trên sự tích lũy quan hệ quốc tế qua nhiều năm. Với hơn 70 năm phát triển, Khoa Sinh học – Trường ĐHKHTN là đơn vị rất giàu kinh nghiệm hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghệ sinh học, với nhiều đối tác đa dạng từ các nước có nền công nghệ sinh học phát triển, hợp tác về nhiều khía cạnh như đào tạo, trao đổi sinh viên, nghiên cứu phát triển, …

Như vậy, có thể nói Khoa Sinh học – Trường Đại học Khoa học Tự nhiên là đơn vị hội tụ đầy đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng phục vụ đào tạo ngành Công nghệ sinh học. Với kinh nghiệm lâu năm, đội ngũ hùng hậu, cơ sở vật chất liên tục được quan tâm đầu tư, và đặc biệt là sự tín nhiệm cao của xã hội, Khoa Sinh học – Trường ĐHKHTN tự tin khẳng định vị thế hàng đầu trong đào tạo công nghệ sinh học tại Đại học Quốc gia Hà Nội, đồng thời nhiệt liệt chào đón các sinh viên tương lai say mê công nghệ sinh học đến với Khoa, để phát triển nghề nghiệp của bản thân và cùng góp sức phát triển nền công nghệ sinh học của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Hãy lưu ý, công nghệ sinh học được đào tạo chính thống tại Khoa Sinh học – Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội (địa chỉ số 334 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội)!

Xem thêm liên kết ngoài: https://tapchicongthuong.vn/top-5-truong-dai-hoc-co-nganh-cong-nghe-sinh-hoc-tot-nhat-112961.htm

Bài viết liên quan